M Í A  L Ù I


    Nam Thi

1.      Thuở ấy, mùa nghỉ hè cũng là mùa nấu đường. Nắng mùa hè oi ả làm cho mía trồng trên những dải soi bờ Bắc sông Côn ươm mật. Những lò đường được đào giữa ruộng mía. Lò âm sâu hai mét dưới lòng đất, miệng rộng bằng hai cái nia đặt nối nhau đủ bắc hai cái chảo gang đường kính khoảng một mét, một đầu khoét ống khói, miệng lò ở đầu kia rộng hơn để đưa “bổi” vào chụm. Bên cạnh lò là bộ che tiện bằng gỗ tròn gồm một che cái và hai che đực, phần trên mỗi ống che có tiện răng để khớp với nhau, phần dưới tròn. Mía được đưa vào phần dưới để ép khi che vận hành tương tự các xe bán nước mía. Che được hai con bò đi vòng quanh che để kéo bằng thanh gỗ nối ách trên cổ chúng với che cái. Nước mía ép tươi được gọi là nước chè nhất, chảy xuống máng, được trữ trong những thùng lớn, sau đó sẽ đưa vào chảo nấu thành mật, gọi là nước chè hai. Công đoạn ba nấu mật thành đường là quan trọng nhất phải do thợ cả đứng nấu, nếu không đường sẽ không kết tinh.

Nước chè hai uống khi còn nóng rất khoái khẩu. Nhà tôi có nhiều soi nên mùa nấu đường thường thu hút đám bạn tôi đến ăn mía, chỉ có những đứa thân nhất mới được tôi mời nước chè hai. Tuy vậy, món mía lùi cũng rất hấp dẫn cho nên có câu tục ngữ “ngọt như mía lùi”. Tôi thường chọn cây mía dài lóng, lùi vào đống tro nóng mới “cất” từ lò đường lên, đút trọn cây mía vào, chờ một chặp lấy ra. Cây mía lùi bị hơi nóng làm mất bớt nước trở nên ngọt lịm.

Trong số bạn tôi có Hương. Nhà Hương ở xóm trên, tôi ở xóm dưới. Hai gia đình kết thân, làm sui gia với nhau bao nhiêu đời. Hồi chúng tôi còn bé tí tẹo, bà nội tôi và bà nội Hương đã tính sau nầy gả Hương cho tôi. Tuy lúc đó chúng tôi chưa hiểu gì về chuyện vợ chồng, nhưng tôi cũng thấy mắc cỡ mỗi khi bị ai đó chọc ghẹo. Tôi thường lựa những cây mía ngon nhất để lùi cho Hương mỗi khi Hương có việc gì đó ghé nhà tôi.

Hương rất thích mía lùi. Nàng thường dành róc mía bằng con dao nhỏ cho cả hai cùng ăn, không cho tôi xiết mía bằng răng. Thỉnh thoảng tôi được sai mang nước chè hai còn nóng lên biếu má nàng. Khi về, tôi thường bị các anh chị chọc “ đi làm rể sao về sớm vậy em” làm tôi vừa ngượng muốn trốn. Má của nàng thường dành cho tôi mấy cái ổi, có khi cả nải chuối mang về. 

2.      Chồng của Hương tiễn tôi đến thang máy lầu 3 của Viện Tim, nơi Hương đang điều trị. Hai năm trước nàng phải phẫu thuật thay van tim và một tháng trước lại bị tai biến, nằm ở bệnh viện Quy Nhơn sơ cứu rồi được đưa vào Viện vì là bệnh nhân cũ. Lẽ ra, tôi còn muốn ở lại với Hương nhưng đã đến giờ làm vệ sinh cho nàng. Có lẽ, đây là lần cuối cùng gặp Hương. Tuần tới nàng được đưa về quê. Một mai nàng qua đời chắc gì tôi về được…

Tôi rời thang máy ở lầu 2 vì tưởng lầm đã tới đất. Một cô gái bảo tôi quay lại thang máy nhưng tôi lại muốn đi bộ xuống. Trưa tháng tư nắng nóng. Tôi đứng dưới bóng cây sứ trong sân viện để hút một điếu thuốc. Tôi nấn ná chưa muốn về, nửa muốn quay trở lại chỗ Hương. Cuối cùng, tôi bỏ ý định đó vì đàng nào cũng có lúc tử biệt sinh ly.

Sau ngày hòa bình, đây là lần thứ hai tôi gặp lại Hương. Lần đầu tôi về thăm quê năm 1977, tôi tình cờ gặp Hương ở bến xe huyện lỵ, lúc nàng mới ra khỏi chợ gần đó. Lúc ấy, trông nàng lam lũ với quang gánh, giỏ xách, quần áo tuềnh toàn. Hương hầu như hóa thân thành một con ngưới khác. Cô nữ sinh trung học ngày nào biến mất không để lại một chút dấu vết. Nếu không có cái miệng cười chúm chím và giọng nói quen thuộc thì tôi đã không nhận ra.

“Anh về trước nói với má là em mua đồ ăn rồi về sau”. Hương  bảo tôi thế rồi quay lại chợ. Nàng biết tôi không còn người thân ở quê để lo cơm nước mà lại về bất ngờ, má nàng không kịp mua thức ăn. Nàng có chồng ở làng bên, hai vợ chồng đều là giáo viên. Họ đã có hai con.

Tôi đi bộ về nhà, men theo con đường rợp bóng tre chạy dọc bờ sông Côn. Giá như Hương là vợ tôi. Người chiến binh trở về sau chiến tranh…Vừa đi tôi vừa lâm râm bài hát của Phạm Duy “ ngày trở về, anh bước đi trên quãng đường đê, đến bên lũy tre…” và “em có hay chăng anh về…”. Dẫu sao, câu nói của Hương cũng làm tôi ấm lòng…”anh về nói với má…”. Cứ như ngày nào khi chúng tôi còn bé.

Cuối cùng tôi cũng phải rời Viện Tim. Chồng nàng nói lúc chia tay với tôi ở cửa thang máy rằng “còn nước còn tát, thế thôi”. Tôi nhớ bàn tay gầy guộc của Hương mà tôi đã ấp vào hai bàn tay mình lúc tôi mới đến thăm. Thấy tôi, nàng chỉ khóc vì không nói được. Chồng nàng nhìn tôi như muốn bảo tôi an ủi nàng. Và tôi đã nắm tay nàng. Sau hơn bốn mươi năm, tôi mới lại nắm tay nàng, ấp tay nàng giữa hai bàn tay già nua của mình.

Tôi nhận ra vết sẹo nơi ngón tay trỏ trái của nàng, vết sẹo do một lần róc mía lùi với tôi hơn nửa thế kỷ trước…

 N . T 

Bài này đã được đăng trong Văn và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

34 Responses to M Í A  L Ù I

  1. Từ Sâm nói:

    truyện của anh Nam Thi ngắn, chuẩn mực và sâu sắc. Đọc xong như uống ly rượu mạnh, sợ say nhưng….thèm

  2. Lê Hải nói:

    Vài lời kính tặng bác Nam Thi
    Truyện ngắn viết chi hay rứa hì
    Vết sẹo thời gian còn nhận dấu
    Chuyện tình thơ ấu dễ quên chi
    Mía lùi bạn trẻ lòng thơm lựng
    Đường ngọt người già phận phập phì
    Tôi, bác giờ này ôn kỷ niệm
    Nhớ về chuyện cũ cười khì khì…

    • Nam Thi nói:

      Cảm ơn bác Lê dã đề thi tặng. Nhưng bác gieo tử vận bố tôi sống lại cũng không họa được: hì, phì, khì.

      • humichi nói:

        Cần gì phải bố bác Nam Thi
        Tử vận cớ sao lại khiếp hì
        Cứ thọc ngoằn nghèo chơi với chữ
        Thấy hợp vần gieo khó khăn chi
        Mía có đem trui thời mới ngọt
        Dê mần ngọc tửu phả phì phì
        Bảy chín từ lâu bác có đảo
        Chén nồng hương đượm nhấp tì tì

  3. MINH LONG nói:

    “Sau hơn bốn mươi năm, tôi mới lại nắm tay nàng, ấp tay nàng giữa hai bàn tay già nua của mình.
    Tôi nhận ra vết sẹo nơi ngón tay trỏ trái của nàng, vết sẹo do một lần róc mía lùi với tôi hơn nửa thế kỷ trước…”
    Câu kết đầy cảm xúc , ấm áp tình .
    Một kỷ niệm dễ thương , viết chân tình , đọc mà nghe như tác giả đang ngồi kể chuyện với mình .

    • Nam Thi nói:

      Chào Minh Long, Bao giờ trong truyện ít nhiều cũng có tác giả trong đó, phảng phất trong các nhân vật. Vì vậy, tuy truyện nầy không phải tự truyện nhưng có tâm tình của tác giả.
      Cảm ơn bạn đã đọc và thấu hiểu.

  4. BẢY XÓM MIỄU nói:

    Chào bạn !
    Đọc xong truyện ngắn Mía lùi , vết sẹo trên tay tuy nhỏ nhưng lại ẩn chứa ở đó một quãng thời gian khá dài từ những ngày còn thơ đến ngày mà tiếng chuông báo tử dường như đang chực chờ đâu đó quanh cuộc đời của một con người đang có trái tim cố đập để được sống với đời .
    Với tôi , bạn đã thành công khi lấy vết sẹo làm điểm nhấn để kết thúc truyện và tôi cũng đồng ý cùng một độc giả là phần đầu nói về lò mía bị sa đà .
    Nói về bịnh tim thì khoa học có những tiến bộ rất đáng nể . Việc một người được thay tim , sống bằng quả tim người khác trên thế giới cũng không hiếm hoi , ngay cả Việt Nam cũng có vài trường hợp con người sống bằng quả tim của người hiến tặng nhưng trong y văn thế giới từ đây lại xuất hiện khái niệm ” kí ức tế bào ” mà các nhà khoa học giải thích đó là khả năng lưu giữ trí nhớ của các tế bào nên khi người được ghép tim , tạng ..thì thường mơ và nghĩ đến những điều lạ lẫm khác với cuộc sống hiện tại của mình dù ai cũng biết sự suy nghĩ thì phải xuất phát từ …não .
    Mình chỉ đọc báo , chưa tận mắt thấy tai nghe nên cũng còn trong vòng tìm hiểu qua mạng .Mới đây lại còn có tin sẽ có ca phẫu thuật …ghép đầu nữa vào năm 2017.
    Bàn tay và khối óc con người vĩ đại thật !
    Nhân câu chuyện của bạn , tôi xin phép tám một chút ngoài lề và nghĩ rằng Hương của bạn nếu được thay tim thì chắc hẳn hình bóng của anh chàng ưng ăn mía lùi sẽ biến mất hoàn toàn trong nàng , kỷ niệm về mía lùi có thể khiến nàng ngơ ngác . Hihi
    Rất mong được đọc thêm những tác phẩm khác của bạn .

    • Nam Thi nói:

      Cảm ơn bạn cùng làng khác xóm. Bạn có nhận xét rất là chính xác. Riêng về nhân vật Hương, tôi xin phép không bàn thêm vì “nguyên mẫu” vẫn còn sống.

      Trên chuyến tàu một chiều của cuộc đời ta có những đồng hành, gặp nhau, cùng chung với nhau một đoạn đường rồi đến lúc nào đó có người xuống trước ở một ga nào đó và không bao giờ gặp lại. Chỉ giữ trong nhau một chút tình.

      Không phải bây giờ mà ngay khi còn trẻ tôi cũng đã ray rứt với những tình nghĩa bất chợt ấy. Tôi nhớ hồi chiến tranh tôi có làm một bài thơ, nay còn nhớ vài câu như ” những người nào ta đã gặp. Còn đó không hat đã nằm im trong lòng đất…”. Quả thực, có những người ta chỉ gặp một lần rồi vĩnh viễn chia lìa.

      Rất vui vì sự có mặt của bạn trên trang nầy. Chúng ta cũng là những người đồng hành, đã quen biết nhau hay chưa từng biết nhau.

    • NỊ nói:

      Bảy Xóm Miễu gia nhập hội cà kê dziả hè đưộc rùi khỏi cần dziết đơn.Hihi

      • Hoàng Văn Luận nói:

        Nị ơi…CHÙA và MIỄU cộng với NỊ nữa thì VỈA HÈ nhiều xôi và oản…lắm. Ba Vạn Xuân tui phải chăm ghé vỉa hè mới được.

  5. THANH MAI nói:

    Câu chuyện Mía lùi nhắc đến kỷ niệm khó quên trong đời một con người . Vết sẹo là nhân chứng tình cảm trong sáng thời đó , chỉ tiếc câu chuyện tình cảm diễn ra được tác giả viết chưa lôi cuốn lắm .
    Diễn tả về lò đường , cách nấu đường chiếm phần lớn dung lượng của bài , theo Thanh Mai thì chỗ này không cần thiết lắm nếu Mía lùi là kỷ niệm của hai người khác phái thì câu chuyện mía lùi nên xây dựng thêm vài chi tiết nữa .

    • Nam Thi nói:

      Thanh Mai góp ý rất chính xác, sa đà chuyện nấu đường làm truyện bị loãng, tôi sẽ biên tập lại. Cảm ơn bạn.

  6. minh triết nói:

    Ai cũng có những kỷ niệm một thời để nhớ. Nhất là lúc tuổi mới lớn ở quê. Đọc truyện của anh có nhiều cảm xúc, dễ thương lắm. Tôi có ông dượng ( chồng dì út ) tên ba Minh cũng là chủ lò nấu đường . Những lúc về thăm , tôi thường ra lò chơi,Mía, hay các loại nông sản ( củ ) ở quê ta thì bạt ngàn. Nói chung các món ăn nướng hoăc, mía lùi dều rất ngon, hấp dẫn . Hôm nay mới được nghe ” ngọt như mía lùi ” và chưa được thưởng thức. Nghe anh kể mà thèm quá…Thôi thì hẹn dịp về lần sau nha anh.

    • Nam Thi nói:

      Quê tôi trước trồng mía, dâu, nay chỉ trồng rau, quả. Ở Tây Sơn trồng nhiều mía nên mới có món đặc sản là chim miá tức những loài chim nhỏ thuộc họ chim sẻ ngủ trong mía. Nay món chim mía “ram” vẫn còn bán nhưng có khi là chim én giả chim mía (!). Lâu rồi tôi không thích ăn món nầy nữa.

      Hẹn có dịp gặp nhau ở quê nhà nhé, đồng hương.

  7. NGUYỄN HÙNG nói:

    Truyện ngắn nhưng điều đọng lại dai dẳng trong suy nghĩ người đọc là cái tình ! Tình yêu , tình người .
    Cuộc sống vốn gập ghềnh , phức tạp . Con người như chiếc lá cuốn trôi theo dòng chảy ấy và chuyện còn , mất là lẽ thường dù khi nghĩ đến mấy ai không buồn .
    Một kỷ niệm hồn nhiên , ngây thơ được tác giả viết gọn gàng và khá sâu sắc .

    • Nam Thi nói:

      Cảm ơn Nguyễn Hùng. Vâng, tình yêu và tình người là cái đọng lại. Trước đây mấy ngày trên FB, trong một đối thoại với nhà văn Trương Văn Dân, tôi có viết đại khái rằng người ta đi qua cuộc đời và biến mất chỉ để lại cho người sống tình yêu thương. Cho nên, sống là để “nuôi tình”, thiếu điều đó cuộc sống trở nên thiếu ý nghĩa, thậm chí vô nghĩa.

  8. NỊ nói:

    Ui ! Chuyện bây giờ mới kể , chơi dậy là hổng …đẹp nhen anh yêu …quỉ ! Hihi …
    _ Mía lùi !!!
    Tựa đề to bự chảng vậy mà đoạn ” ngọt như mía lùi ” chỉ tả cảnh lùi mía trong tro không dẫy trời ???Nị háo hức chờ cái ngọt hơn mía lùi mà hông thấy !Hic
    + Ưà , liên hệ ngày nay , chắc nhờ ăn mía lùi róc bằng dao nên tới bi giờ anh Nam Thi vẫn thường khoe bộ nha còn ngyên 32 cái đủ , chưa rụng cái nào ! Hihi…
    Mía lùi !!!
    Chi tiết này tưởng là hành động bình thường nhưng có mấy ai biết được rằng chuyện một người lựa mía ngon để cho một người lùi ẩn giấu cảm xúc ” hình như là tình yêu ” trong đó !Hông lãng mạn nhưng rất chân thật và càng cảm nhận hơn nữa sự chân thật ấy qua cách viết mộc mạc của người …có tuổi nhưng …ít ai biết tên ! Hihi…( Cấm …giận nhe , giận là mau …già lém ! )
    _ Mía lùi !!!
    Dĩ vãng của tác giả dẫn NỊ ngược dòng thời gian và chợt nhớ ra : oh ! Mình cũng có quá nhiều những câu chuyện ” ngọt ngào ” như ” mía lùi ” mà sao mình không viết thành truyện được ta ? Huhu…Mình cũng viết …văn nhưng từ viết văn để trở thành …nhà văn lại là khoảng cách quá xa , không phải ai cũng có thể đạt được , có khi lại là …không thể .
    Thôi thì NỊ cứ ước mơ ngày nào đó mình cũng tập viết truyện , viết bằng cảm xúc từ trái tim , cũng có thật , cũng hư cấu ….Đâu có ai đánh thuế ước mơ , tha hồ mơ ước anh nhỉ !!! Hihi…
    Mía lùi !!!
    Vết sẹo được đề cập đến ở phần kết thúc theo NỊ là …rất hay , nó không xuất hiện trong đoạn ” lùi mía ” , anh Nam Thi đã tung ” con bài chủ ” vào phút cuối cùng để diễn tả nỗi lòng một cách… thầm lặng nhưng ấn tượng !
    Mai mốt anh Nam Thi có viết món gì lùi lùi nữa thì cho NỊ tham gia một ” khúc ” coi như là tập sự nhe !Hihi

    • Nam Thi nói:

      Trước hết, tôi khuyên Nị không nên lấy dao cứa vào tay mình để lấy sẹo làm kỷ niệm với ai đó vì đã đau mà còn mất đẹp ngón tay búp măng tuyệt vời của Nị. Còn có những cách để lại kỷ niệm hay hơn, chẳng hạn cùng nhau đi ăn lẩu dê quán 79, uống cà phê Lệ Đá, đi câu cá ở Thanh Đa rồi la cà Sai Gòn Coop Mart mua chai nước hoa Chanel 5 mà khỏi móc bóp trả tiền, vân vân. Nị chắc có nhiều sáng kiến, tôi chỉ gợi ý thế thôi. Sau nầy Nị muốn viết truyện thì lấy những kỷ niệm “hình như là tình iu” ấy tha hồ viết đến tết năm 3000 chưa hết. Còn viết thế nào cho hấp dẫn thì bảo chủ tịt hội mắt lác Hoàng Văn Luận tư vấn thêm.

      Còn những truyện “ngọt như mía lùi” hấp dẫn, nóng bỏng tui xin hẹn một ngày gần đây sẽ viết loạt truyện tình tựa đề ” Yêu 100* C” nhé.

      Bây giờ NT xin phép “lùi” đây – lùi rồi dong. Mec-xì

      • Hoàng Văn Luận nói:

        Tư vấn đây…tư vấn đây…Cứ viết y chang MÍA LÙI là hai mắt lác về hai ngả khác nhau rùi…Nị không cần tư vấn, tư buộc chi cho khổ. Chủ tịch hội mắc lác…bận lắm…bận lắm…Đang vớt cá chết lụt làm nước mắm bán tết ÂM LỊCH…bận lắm!

  9. BÍCH HẰNG nói:

    Mình lại biết thêm về cái chuyện nấu đường qua truyện ngắn này , thật là thú vị .
    Riêng chuyện tình cảm thì rõ ràng ” tình trong như đã mặt ngoài còn e ” !
    Kỷ niệm được nhắc đến nhưng để có kỷ niệm đáng nhớ thì hai nhân vật chính đã có những hành động và cảm xúc rất dễ thương . Nếu tác giả khai thác để mở rộng thêm phần suy nghĩ , nội tâm bằng giọng văn lôi cuốn hơn thì truyện sẽ thu hút người đọc . Hơi …khô khan một tí nhưng vẫn cảm nhận được nỗi niềm của kỷ niệm mía lùi ! Hihi

    • Nam Thi nói:

      Cảm ơn bạn góp ý. Truyện ngăn có giới hạn của nó. Thời nay, người đọc không có thời gian đọc truyện ngắn mà dài và người viết cũng không nhất thiết phải viết dài, thậm chí có những truyện chỉ 100-500 từ. Truyện của tôi thường dưới 2000 từ.

  10. NHƯ NGỌC nói:

    Một câu chuyện viết ngắn gọn về kỉ niệm , kỉ niệm thì dù vui hay buồn vẫn làm tâm hồn con người ngậm ngùi khi nhớ đến .
    Khúc mía lùi , cảm xúc trai gái ….tất cả theo thời gian cùng người trong cuộc về hai ngả đời khác nhau và vết sẹo róc mía ngày nào như một vết sẹo trong tim của ngày mới lớn .
    Tác giả viết đơn giản chi tiết nhưng những điều đơn giản ấy lại là nỗi day dứt khắc khoải lay động người đọc .

  11. Hoàng Văn Luận nói:

    Kính gửi Nô. Trong câu: Bên cạnh lò là bộ che tiện bằng gỗ tròn gồm một cái che cái và cái che đựt…
    Không hiểu cái CHE ĐỰT…là chi. Kính Nô hỏi giùm Nam Thi nghe! Mình rất sợ Nị lại mắng cho vì cái hội đã già đàu rùi mà viết lộn xộn…Sợ lắm…

    • Nam Thi nói:

      Sửa dùm đi Nô ơi. ĐỰC. hic. Tui phải về Bắc vài năm để học phát âm cho đúng.
      Điều đến giờ tôi vẫn thắc mắc là bộ che chỉ có một CÁI với hai ĐỰC kè bên và cái lại bự hơn đực. Giá như người cũng vậy thì chắc dzui lắm há.

      Cảm ơn người Việt “gốc” nhắc nhở.

    • nói:

      “CHE ĐỰT” là tên, là tiếng vùng miền xứ sông CÔN đất địa, nơi lão tác giả sinh ra và lớn lên. Nô tui thấy ngay hồi đầu nhưng không dám chỉnh, lỡ như thài lai tự xử sợ bị chả cho ăn đòn nên không dám tùy nghi. Nay nhờ Tiên Sinh không hiểu cái chữ khó hiểu mà ta đã được tỏ tường. Nhưng vẫn chưa biết 2 cái giống ” che ” ấy giữ nhiệm dzụ gì ? Mong tác giả giải thít thim. Thanh kiu ve ri mục. Hê.. hê

      • Nam Thi nói:

        Che cái ở giữa làm trục xoay nhờ sức bò kéo qua một đòn như nói trong bài. Che lớn có những bánh răng khớp với bánh răng hai che đực, nên khi che cái xoay, hai che dực xoay trái chiều nhau. Vì bánh răng chỉ có ở nửa trên các che, phần dưới tròn nên có thể đút mía vào để ép lần 1, sau đó mía lại được đưa vào che phía bên kia để ép lần hai. Sau hai lần ép ta thu được bã mía, nước mía chảy ra theo máng hứng ở một đầu. Tương tự như xe nước mía, chỉ khác “che” của xe nước mía bằng kim loại nhỏ hơn nhiều bố trí nằm ngang, còn che lò mía bằng gỗ đường kính # 40 cm, bố trí theo chiều dọc. Nay chắc không còn loại che nầy vì đã có các nhà máy đường.

        Tôi kiếm mua một bộ cũ để đưa vào bộ sưu tập dụng cụ nông nghiệp cổ truyền nhưng chưa có.

  12. Hoàng Văn Luận nói:

    Lâu lắm mới lại đọc truyện ngắn gồm 2 chương của Nam Thi. Tôi thích truyện ngắn kiểu ni, bởi nó hạp với gu của tôi. Đó là trở về với những kỷ niệm xưa. Câu truyện, tuyệt nhiên không có cao trào, thắt mở chi hết. Chỉ kể lại một kỷ niệm bên những lò đường quê hương và những người bạn thời thơ ấu. Hương-cô gái xóm bên như một ngôi sao lấp lánh phía mù xa quá khứ.
    Mấy chục năm sau gặp lại nhau, HƯƠNG đã hoàn toàn là một con người khác. Cả hai người đã đi hai ngả xa xôi. Nhưng câu nói: Anh về nói với má…lại làm ngôi sao HƯƠNG …bừng sáng long lanh trong bầu trời kỷ niệm. Và hai bàn tay ấp đôi bàn tay…chính là những thổn thức của những rung động thuở đầu đời và sự sẻ chia của những người cùng chung kỷ niệm ấu thơ.
    Câu truyện ngập tràn tính nhân văn. Những kỷ niệm ngọt ngào như mía lùi, vị ngọt ấy trong mỗi cuộc đời chúng ta đều có và chẳng bao giờ quên được.
    Cái kết của truyện ngắn rất ngắn. Nhưng thật hay. Nó nhắc lại toàn bộ câu truyện đã kể. Một vòng tròn khép kín: MÍA LÙI.

    • Nam Thi nói:

      Thì mình với bạn cùng một duột mà, chỉ khác bạn sinh ra ở vùng chiêm trũng sông Hồng, còn mình ở thượng lưu sông Côn. Và tình quê, tình người thuở ấy đã nuôi tâm hồn mình cho đến cuối đời. Mình cảm thấy may mắn được sinh ra ở đó với những con người như thế. Mình dã chuẩn bị sẵn để quay về…
      Cảm ơn Hoàng Thảo Chi – thiên lý năng tương ngộ.

  13. Câu truyện xúc cảm , hay. Cám ơn tác giả !

    • Nam Thi nói:

      Chuyện như thế nầy không nhiều để viết đâu Hoàng Anh 79. Lần sau mình mời bạn đọc một truyện khác cũng “lùi” – CỦ LANG LÙI.

  14. Tình bạn già hiếm có!Giữa hai người nam -nữ!Vẫn là người thứ ba”Được xen vào mọi sự”-Tình bạn già vẫn đó! Cảm mến tình thực sự Vẫn mãi là bạn bè Cả giây phút sinh ly!-Ôi cảm động biết mấy!Thật hiếm có hiếm khi!Được cầm bàn tay ấy! Để tỏ tình bè bạn?!

Bình luận về bài viết này